Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2007

Thành hình nhiều tập đòan kinh tế tại thị trường Việt Nam

Tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang dần hình thành trong đội ngũ lãnh đạo và quản lý. Điều thấy rõ nhất hiện nay ở các doanh nghiệp lớn Việt Nam là có xu hướng rất nhiều nhân sự giỏi, đã từng thành đạt ở các tập đoàn đa quốc gia hoặc đã có những bằng cấp quản trị uy tín tại các học viện lớn trên thế giới, về làm việc. Họ được tin tưởng và nhận lãnh những vị trí quan trọng tại các công ty. Những nhân tố này đã mang lại một luồng gió mới đẩy chiếc thuyền doanh nghiệp Việt Nam ra biển lớn , hoặc ít nhất sẵn sàng đối phó, tồn tại và vượt lên những cơn sóng lớn tại thị trường nội địa. Thực tế, cũng đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh và có những thương hiệu uy tín trong lĩnh vực của họ. Nhưng có một nỗi lo, là liệu sự phát triển này có tính chiến lược dài hạn và tính bền vững không ?

Đã và đang có rất nhiều cơ hội phát triển tại thị trường nội địa. Khi sức mua trong mọi lĩnh vực ngày càng tăng và thói quen tiêu dùng đang thay đổi tạo nên một thị trường nội địa hết sức sôi động và luôn biến chuyển. Điều này đã trở thành một "sức hấp dẫn" rất lớn cho các doanh nghiệp Việt "thừa tiền lắm của" mở rộng chức năng kinh doanh, thành lập liên tục nhiều công ty thành viên trong các lĩnh vực hoàn tòan mới. Đó là tiền đề mà các doanh nghiệp Việt Nam lớn có thể gắn cái mác là một "TẬP ĐÒAN". Có rất nhiều "tập đòan" thành hình với mục tiêu: 1) Nhảy sang lĩnh vực mới đang có tiềm năng để nắm bắt cơ hội ngay lập tực 2) Tạo nên một cái tên thật kêu, ít nhất là thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư riêng lẻ và người tiêu dùng. 3) Tận dụng ngay nguồn vốn từ thị trường OTC để nhanh chóng thu lợi trong một giai đọan nhất định.

Doanh nghiệp Việt Nam rất nhạy bén trong việc nắm bắt thời cơ (một lần nữa tôi lại khẳng định ý kiến này), nhưng yếu tố này cũng sẽ dẫn các doanh nghiệp Việt Nam đến hiện tượng đầu tư dàn trải và thiếu tính ổn định. Về chiến lược phát triển dài hạn, tôi băn khoăn tự hỏi: giá trị lõi của các doanh nghiệp này là gì khi họ "nhanh nhảu" nhảy vào các lĩnh vực hoàn tòan mới, họ sẽ tạo ra giá trị gì cho chính doanh nghiệp, cho nhà đầu tư và cho khách hàng của họ.

Ngẫm.....và nghĩ....Phải chăng các doanh nghiệp Việt Nam đang nắm bắt các cơ hội kinh doanh, với lợi thế "độc quyền", lợi thế "luật và lệ", lợi thế "quan hệ" trong một thời gian ngắn, khi nền kinh tế nước nhà đang trong giai đoạn biến chuyển mạnh. Sẽ như thế nào khi vẫn còn nhiều tập đòan được thành hình với những "giá trị lõi" nêu trên ?