Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2007

Tập đòan xác định như thế nào ?

Trên tạp chí thời báo kinh tế Sài Gòn, có đăng bài phỏng vấn Tiến sĩ Trần Tiến Cường, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương)

http://vneconomy.vn/?home=detail&page=category&cat_name=05&id=2007ad5233a17f

-------------------------
"Khó có thể xác định được những tiêu chí chung để xác định một nhóm doanh nghiệp là tập đoàn hay không".

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Trần Tiến Cường, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương), trao đổi với VnEconomy về việc hình thành các tập đoàn kinh tế Nhà nước hiện nay.

Thưa ông, đang có nhiều ý kiến về việc hình thành các tập đoàn kinh tế Nhà nước chưa có những tiêu chí cụ thể…

Một số tổng công ty đã được quyết định để trở thành tập đoàn kinh tế và Chính phủ đang yêu cầu xem xét xây dựng một số tiêu chí về tập đoàn. Tuy nhiên, việc xây dựng tiêu chí phải xuất phát từ thực tiễn, từ kinh nghiệm quốc tế, thông lệ kinh doanh của thị trường vì Việt Nam là nước đi sau, đang hội nhập.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy khó xác định tiêu chí tập đoàn, bởi tập đoàn là những hình thức kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, mà đã là hình thức kinh doanh hay liên kết với nhau thì rất đa dạng, rất phong phú, phụ thuộc vào từng nhóm doanh nghiệp, từng tập đoàn cụ thể. Khó khái quát chung để thành các tiêu chí.

Ví như về vốn, nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn khác nhau. Có nhóm công ty, tổ hợp công ty từ vài chục tỷ đồng, đến vài trăm tỷ đồng và đến hàng nghìn tỷ đồng. Nếu theo tiêu chí này thì cũng khó có thể xác định nhóm doanh nghiệp nào là tập đoàn.

Đó là chưa kể tới tập đoàn không phải là một pháp nhân, nó không có tư cách pháp nhân. Vì theo Luật Doanh nghiệp và theo thông lệ trên thị trường, đó là nhóm công ty hay tổ hợp các công ty độc lập với nhau về mặt pháp nhân song chúng có sự chi phối lẫn nhau từ công ty mẹ với các công ty con, công ty liên kết. Do đó việc khi nào nhóm đó được gọi hoặc không được gọi là tập đoàn là điều khó xác định.

Tới thời điểm này, theo tôi khó có thể xác định được những tiêu chí chung để xác định ranh giới nhóm doanh nghiệp này là tập đoàn, nhóm kia không phải là tập đoàn. Do đó, khái quát thành một tiêu chí hoặc một nhóm tiêu chí chung để áp dụng, xác định là tập đoàn là điều khó khăn.

Tôi nghĩ chúng ta chỉ có thể đưa ra những tiêu chí để lựa chọn, quyết định tổng công ty nào đó trong số các tổng công ty để thí điểm phát triển các đặc điểm của tập đoàn. Và thông qua sự lựa chọn này để có những biện pháp chuyển đổi mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau, theo thông lệ của thị trường.

Khi một doanh nghiệp được phê duyệt đề án tập đoàn, đó mới chỉ là bắt đầu của một quá trình đổi mới các mối quan hệ, chưa nên sớm thoả mãn, thừa nhận tôi đã là tập đoàn.

Vậy liệu rằng chúng ta có đưa ra các cơ sở để xác định đâu là tập đoàn?

Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp 2005 đang được soạn thảo, có bổ sung thêm theo yêu cầu của Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tiêu chí tập đoàn kinh tế.
Nếu được Chính phủ chấp thuận thì khi ra đời Nghị định có một hoặc hai điều đề cập đến tập đoàn nhưng chỉ quy định về nguyên tắc. Tuy nhiên, nội dung vẫn trên tinh thần tôn trọng sự phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn hiện nay cho cả khu vực Nhà nước và tư nhân.

Khi nào gọi là tập đoàn thì cũng khó, song trong Nghị định có một điểm, nếu như được chấp nhận, thì cụm từ “tập đoàn” có thể được sử dụng như là một thành tố tên riêng của một doanh nghiệp hay công ty mẹ, nhưng các thành tố khác của nó cũng phải phù hợp với quy định pháp luật về đặt tên doanh nghiệp, ví dụ tên doanh nghiệp cũng phải có các cụm từ “công ty TNHH” hay “công ty cổ phần”.

Ông có thể thử làm một so sánh tập đoàn Nhà nước với tập đoàn tư nhân hiện nay?

Tập đoàn tư nhân về cơ bản hình thành và phát triển trên cơ sở từ một doanh nghiệp hoặc do một vài doanh nghiệp của tư nhân kết hợp lại với nhau, sau đó phát triển thành nhóm các công ty, được tách bạch về mặt pháp nhân để phù hợp với quy mô, năng lực quản lý.

Nhà nước cũng có những tổng công ty phát triển lớn lên như kiểu phát triển của tư nhân, nhưng nó rất chậm vì quá trình tích tụ để hình thành bị ảnh hưởng chi phối từ Nhà nước và phải làm các nhiệm vụ do Nhà nước đề ra.

Con đường hình thành tập đoàn của Nhà nước có những điểm khác biệt là có bàn tay của Nhà nước tổ chức lại các tổng công ty và tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên để thúc đẩy quá trình hình thành tập đoàn.

Về nguyên tắc, sau khi tổ chức lại thành nhóm các công ty, hình thành các mối quan hệ mang đặc trưng của tập đoàn, có các doanh nghiệp đầu tư, chi phối doanh nghiệp khác,... thì khi đó hai loại hình tập đoàn không khác nhau nhiều. Nhưng quá trình hình thành lại có những điểm khác nhau.

Đánh giá của ông về hoạt động của các tập đoàn Nhà nước đã được thành lập?

Hiện còn quá sớm để đánh giá khi mới hơn 1 năm hình thành và hoạt động của các tập đoàn so với cuộc đời của doanh nghiệp. Chính phủ sẽ có đánh giá sơ kết về mô hình này.

Nhưng, theo tôi, động thái chuyển động sang hướng tập đoàn là hướng tích cực. Nó thể hiện ở chỗ không còn mô hình tổng công ty như cũ mà nó thúc đẩy chuyển đổi cách kinh doanh của các doanh nghiệp để thể hiện được sức mạnh của một nhóm công ty, tập đoàn. Tức là biến quan hệ đầu tư liên kết chứ không bằng quan hệ mệnh lệnh hành chính như trước.

Các doanh nghiệp xây dựng đề án tập đoàn cũng phải tính tới chuyện điều phối ra làm sao để có sức mạnh chung mà lại không vi phạm quy luật thị trường so với tổng công ty ra quyết định hành chính trước đây.

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2007

Thành hình nhiều tập đòan kinh tế tại thị trường Việt Nam

Tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang dần hình thành trong đội ngũ lãnh đạo và quản lý. Điều thấy rõ nhất hiện nay ở các doanh nghiệp lớn Việt Nam là có xu hướng rất nhiều nhân sự giỏi, đã từng thành đạt ở các tập đoàn đa quốc gia hoặc đã có những bằng cấp quản trị uy tín tại các học viện lớn trên thế giới, về làm việc. Họ được tin tưởng và nhận lãnh những vị trí quan trọng tại các công ty. Những nhân tố này đã mang lại một luồng gió mới đẩy chiếc thuyền doanh nghiệp Việt Nam ra biển lớn , hoặc ít nhất sẵn sàng đối phó, tồn tại và vượt lên những cơn sóng lớn tại thị trường nội địa. Thực tế, cũng đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh và có những thương hiệu uy tín trong lĩnh vực của họ. Nhưng có một nỗi lo, là liệu sự phát triển này có tính chiến lược dài hạn và tính bền vững không ?

Đã và đang có rất nhiều cơ hội phát triển tại thị trường nội địa. Khi sức mua trong mọi lĩnh vực ngày càng tăng và thói quen tiêu dùng đang thay đổi tạo nên một thị trường nội địa hết sức sôi động và luôn biến chuyển. Điều này đã trở thành một "sức hấp dẫn" rất lớn cho các doanh nghiệp Việt "thừa tiền lắm của" mở rộng chức năng kinh doanh, thành lập liên tục nhiều công ty thành viên trong các lĩnh vực hoàn tòan mới. Đó là tiền đề mà các doanh nghiệp Việt Nam lớn có thể gắn cái mác là một "TẬP ĐÒAN". Có rất nhiều "tập đòan" thành hình với mục tiêu: 1) Nhảy sang lĩnh vực mới đang có tiềm năng để nắm bắt cơ hội ngay lập tực 2) Tạo nên một cái tên thật kêu, ít nhất là thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư riêng lẻ và người tiêu dùng. 3) Tận dụng ngay nguồn vốn từ thị trường OTC để nhanh chóng thu lợi trong một giai đọan nhất định.

Doanh nghiệp Việt Nam rất nhạy bén trong việc nắm bắt thời cơ (một lần nữa tôi lại khẳng định ý kiến này), nhưng yếu tố này cũng sẽ dẫn các doanh nghiệp Việt Nam đến hiện tượng đầu tư dàn trải và thiếu tính ổn định. Về chiến lược phát triển dài hạn, tôi băn khoăn tự hỏi: giá trị lõi của các doanh nghiệp này là gì khi họ "nhanh nhảu" nhảy vào các lĩnh vực hoàn tòan mới, họ sẽ tạo ra giá trị gì cho chính doanh nghiệp, cho nhà đầu tư và cho khách hàng của họ.

Ngẫm.....và nghĩ....Phải chăng các doanh nghiệp Việt Nam đang nắm bắt các cơ hội kinh doanh, với lợi thế "độc quyền", lợi thế "luật và lệ", lợi thế "quan hệ" trong một thời gian ngắn, khi nền kinh tế nước nhà đang trong giai đoạn biến chuyển mạnh. Sẽ như thế nào khi vẫn còn nhiều tập đòan được thành hình với những "giá trị lõi" nêu trên ?

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2007

Doanh nhân Việt và những hoài bão.. (phần 2)

Điểm sơ qua các lĩnh vực đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam, tôi rất ấn tượng với những khởi đầu ngọan mục như cà phê Trung Nguyên, quần áo lót VERA, Phở 24, quần áo thời trang An Phước (kể cả Jean An Phước), vàng SJC, vải Thái Tuấn, kem KIDO.... Đây có thể nói là những thương hiệu "thuần" Việt 100%. Nhưng theo thời gian sau vài năm "dậy sóng" tại thị trường nội địa, tôi đã nhìn thấy đâu đó lộ dần cái tính cách "làm nửa chừng nửa với" như vốn có ở bản tính người Việt mình.

Trở lại một quán càfê nào đó còn treo bảng hiệu Trung Nguyên, phong cách bày biện bàn ghế và chăm sóc khách hàng có phần nào đó cẩu thả và kém chất lượng hơn ngày đầu nhiều lắm. Cái vị cà phê hồi nào cũng trở nên khen khét một chút. Các quầy trưng bày (showroom) của vải Thái Tuấn thì đèn neon trắng ngà ngà, bày biện thiếu sự chăm sóc và sáng tạo như vốn có trước đây của thương hiệu Thái Tuấn. Còn các xe bán kem dạo của Kido thì nhìn không vệ sinh, tiếng nhạc kèn hiệu của kem KIDO thì thua xa...."te tí tò, te tí tò tì te tí te" ngày nào. Đấy chỉ là nhìn về mặt hình thức. Về chất lượng thì tôi xin không bàn ở đây vì dầu sao, TA vẫn còn đi sau thế giới khá xa.

Với hàng hóa xuất khẩu, tôi lại thường xuyên nghe các đối tác nước ngoài thường xuyên than thở về tính ổn định về chất lượng sản phẩm. Lúc đầu thì rất tốt, nhưng sau đó thì lại giảm dần theo thời gian. Trong dịch vụ vận tải và logistics thì cũng không thóat khỏi bóng ám của việc chất lượng dịch vụ giảm dần theo thởi gian. Lúc đầu thì rất đúng hẹn, nhưng sau đó thì lại thường xuyên trễ hẹn và giá cao hơn...

Tôi đã tự hỏi rằng, điều gì đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên "bị rơi" vào tình trạnh như vừa nêu trên ? Tôi đã đặt ra các giả định sau:

1/. Các doanh nghiệp Việt Nam rất có quyết tâm và tính táo bạo để chinh phục hoặc đột phá một lĩnh vực nào đó.
2/. Nhưng sau đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại thiếu kiến thức quản lý (hoặc không thể chuẩn bị kịp) khi đối đầu với quy mô phát triển lớn hơn và nhanh.
3/. Các doanh nghiệp Việt Nam rất nhạy bén trong việc "đánh hơi" các cơ hội kinh doanh, kèm theo tính cách quyết tâm táo bạo trên, dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam thường mở rộng lĩnh vực đầu tư một cách dàn trải.
4/. Các doanh nghiệp Việt Nam lại thiều một tầm nhìn chiến lược và họach định phát triển dài hạn.
5/. Các doanh nghiệp Việt Nam có lẽ còn quen với môi trường kinh doanh thường xuyên thay đổi, dẫn đến việc xác định mục tiêu là ngắn hạn và thu hồi vốn nhanh.

Dạo gần đây, tôi đã nhìn thấy có sự thay đổi rất lớn tại các doanh nghiệp Việt Nam. (Xem tiếp phần 3)

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2007

Doanh nhân Việt và những hoài bão

Kể từ khi còn mài đũng trên ghế giảng đường đại học, tôi đã ôm ấp giấc mơ cháy bỏng để trở thành một doanh nhân Việt Nam thành đạt, và là một doanh nghiệp Việt Nam có tầm cỡ. Để biến giấc mơ ấy trở thành sự thật, tôi đã bắt đầu bằng những năm đi làm thuê cho các công ty nước ngòai ngay sau khi ra trường. Tôi mong muốn mình có thể học được nhiều và học thật nhanh những kiến thức quản lý từ các đối tác nước ngòai.

Thấm thóat, tôi đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm thuê và đạt được những thành công nhất định trong các công ty tôi đang làm thuê. Vậy , chắc các bạn đã bắt đầu đặt câu hỏi với tôi rằng, giấc mơ ấy đã thành hiện thực chưa ? Tôi xin trả lời là giấc mơ ấy vẫn còn cháy trong tôi, nhưng chưa phải lúc tôi hiện thực hóa giấc mơ này.

Điều gì đã khiến tôi vẫn chưa thực hiện giấc mơ ấy ? Trong ngần ấy 10 năm, tôi đã có dịp làm việc và giao dịch với rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở những cấp cao nhất, tôi cũng không hề bỏ sót bất cứ thông tin nào về các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Tôi nhận thấy rằng, uớc mơ của tôi, tài chính dồi dào, kỹ năng quản lý hiện đại ...có lẽ vẫn chưa đủ để biến giấc mơ của tôi thành sự thật.

(Còn tiếp)